Cơ cấu Tổ chức Địa_phương_quân_và_nghĩa_quân

Địa phương quân trực thuộc các Tiểu khu, nên tùy tình hình, phương tiện và nhân sự địa phương, cách tổ chức có thể được các Tiểu khu linh động thay đổi nên khác nhau ít nhiều. Chức vụ cao nhất là Tiểu đoàn trưởng, thường là cấp Đại úy hoặc Thiếu tá. Sau tổ chức thêm cấp Liên đoàn (hoặc Bộ chỉ huy Chiến thuật), chỉ huy thường là cấp Trung tá với chức danh: Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Chiến thuật hoặc Liên đoàn trưởng.

Trong Bộ chỉ huy Tiểu đoàn có Sĩ quan Trợ y, thuộc cấp số đơn vị, có đơn vị gia binh trong Hậu cứ. Mỗi Đại đội có một Hạ sĩ quan làm Y tá Đại đội. Sĩ quan Pháo binh không thuộc cấp số đơn vị, chỉ khi nào Tiểu đoàn đi hành quân, sĩ quan Pháo binh mới có mặt với hiệu thính viên riêng để liên lạc trực tiếp với Pháo binh yểm trợ. Hành quân xong, ông ta trở về căn cứ Pháo binh. Trong trường hợp cần yểm trợ bằng Không quân, Tiểu đoàn phải liên lạc qua Tiểu khu, và Tiểu khu liên lạc với Căn cứ Không quân.

Mỗi Tiểu đoàn có năm Đại đội, gồm bốn Đại đội tác chiến và một Đại đội chỉ huy. Mỗi Đại đội có bốn Trung đội, gồm một Trung đội đại liên (vũ khí nặng) và ba Trung đội vũ khí nhẹ. Quân số mỗi Đại đội, trên cấp số là 108 người, nhưng trên thực tế có mặt ngoài chiến trường chỉ vào khoảng 60 đến 70 người. Số còn lại nghỉ bệnh, đi phép, hoặc bị thương, tử trận chưa kịp bổ sung. Quân số hành quân của Tiểu đoàn trung bình khoảng 300.

Địa phương quân không có ban truyền tin riêng, nhưng máy PRC-25 được trang bị đầy đủ, do chính các binh sĩ trong Tiểu đoàn đảm trách.

Mỗi Tiểu khu có một số Tiểu đoàn lưu động, một số có hậu cứ, số còn lại sau những ngày hành quân, kéo ra đóng dài theo các trục lộ, vừa dưỡng quân vừa giữ an ninh khu vực. Các Tiểu đoàn cố định khác chịu trách nhiệm hẳn một vùng, coi đồn, giữ cầu đường hay đóng chốt trên các trục chuyển quân của địch quân.

Phần lớn các đồn lớn là của Địa phương quân, do Tiểu khu và Chi khu điều khiển. Các đồn nhỏ do Phân chi khu, giao cho Nghĩa quân phụ trách. Chính hai thành phần này mới là những người bám rễ giữ đất, chịu nhiều gian khổ và thương vong nhất trong cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ.

Các đồn lớn thường đóng trong vùng an ninh, giữ cầu, bảo vệ các cơ sở hành chính. Tại đây, binh lính được ra vào thoải mái, chỉ thỉnh thoảng mới phải hành quân dã trại, hoặc tổ chức phục kích quanh đồn ban đêm.

Địa phương quân và nghĩa quân chịu nhiều thương vong trong chiến tranh Việt Nam, thương vong của lực lượng này chiếm 25% tổng số thương vong của toàn Quân lực Việt Nam Cộng hòa.